Kinh nghiệm học tốt các môn tự nhiên Toán, Lý, Hóa ở bậc THPT
Nếu bạn xác định thi đại hội khối A thì hãy chuẩn bị đầy đủ từ tinh thần đến “của cải”(nghĩa là kiến thức) ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa lớp 10. Việc chuẩn bị tinh thần từ sớm sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp bạn củng cố kiến thức ngay từ đầu và không bị bỡ ngỡ khi bước vào ôn thi tốt nghiệp cũng như ôn thi đại học.
Nếu bạn đã xác định tư tưởng, tương lai cuộc đời mình là những dãy số Toán Học, những định lý, định luật Vật Lý và cũng phương trình phản ứng Hóa Học thì hãy đọc bài viết dưới đây. Đây sẽ là những kinh nghiệm quý báu để bạn rút ra bài học cho bản thân mình trong suốt quá trình 3 năm chinh phục kho tri thức vô tận của những môn học tự nhiên.
1. Kinh nghiệm học môn Toán
Môn Toán thực chất không phải là một môn học quá khó khăn với mọi học sinh nếu như bạn chú ý và luôn giữ cho mình có một nền tảng kiến thức lý thuyết thật chắc. Học Toán, bạn cũng cần phải thật sự chăm chỉ và tự giác, tự học và tìm hiểu những vấn đề bạn có thể nhận ra được sau khi nghiên cứu.
Trên lớp, nên chú ý nghe giảng và ghi chép bài đầy đủ, nhất là những ý chính, những công thức Toán học bắt buộc phải ghi nhớ. Học Toán cần sự cầu thị và không dấu dốt. Khi có vấn đề hoặc bài tập không hiểu, không tự giải thích được thì cần lập tức hỏi ngay để được giải thích rõ.
Về nhà, bạn không được bỏ qua bước xem lại và tổng hợp lại kiến thức đã học một lần nữa để ghi nhớ thêm. Hãy tự giác làm hết các bài tập ở sách giáo khoa và sách bài tập cùng những bài tập cô giáo giao thêm. Thậm chí, nếu bạn muốn cải thiện khả năng học Toán của mình thì bạn nên tăng cường làm bài tập ở nhà. Không có gì giúp bạn ghi nhớ kiến thức Toán học tốt hơn bằng cách làm bài tập thật nhiều. Bạn nên có một quyển vở bài tập thêm ở nhà để làm những bài tập tại các quyển sách bài tập riêng, bài tập nâng cao để mài rũa khả năng giải quyết nhiều dạng bài Toán với mức độ phức tạp khác nhau.
Bạn nên học theo từng dạng bài khác nhau, tìm ra nhiều phương hướng để giải quyết vấn đề và luyện tập thật nhiều. Khi làm bài tập, cần tạo cho mình thói quen tìm hiểu rõ bản chất vấn đề và tìm cách tư duy thế nào để ra các công thức đó. Để làm được điều đó, bạn phải nắm chắc kiến thức lý thuyết, ghi nhớ các công thức Toán học, những định nghĩa, định lý để áp dụng trong quá trình giải bài tập.
Toán là môn học lôgic, có sự liên quan đến nhau giữa các lớp. Kiến thức lớp sau có thể vận dụng kiến thức của lớp trước. Đây chính là lý do vì sao tôi bảo bạn cần phải xác định khối thi ngay từ đầu để tập trung học ngay từ khi vào lớp 10.
Học Toán cũng đòi hỏi bạn cần phải rèn luyện đức tính kiên trì, cẩn trọng trong tính Toán. Với bất kỳ bài Toán khó nào, bạn cũng hãy kiên trì cho đến cùng để tìm lời giải, chứ đừng thấy khó mà không bắt tay vào suy nghĩ. Sau mỗi lần như vậy bạn sẽ thấy được khả năng của mình tốt hơn mình nghĩ.
Bên cạnh việc học tốt thì để đạt được điểm cao trong mỗi bài kiểm tra hay mỗi kỳ thi, bạn cần chú ý lối trình bày bài thi của mình. Bài giải phải có sự trình bày tuần tự, khoa học, không tẩy xóa, mỗi cách trình bày phải phù hợp với từng dạng bài bạn đã được các thầy cô hướng dẫn trước đây. Bài giải dù kết quả đúng nhưng trình bày thiếu khoa học thì chắc chắn điểm số của bạn cũng sẽ không đạt tối đa.
2. Kinh nghiệm học tốt môn Vật Lý
Vật lý là môn học khá gần gũi với cuộc sống, vì vậy đây là môn hocj khá thú vị. Nếu bạn hiểu rõ hiện tượng là bạn có thể hiểu và tìm được hướng giải cho bài Toán vật lý. Muốn học tốt vật lý, trước hết bạn vẫn cần nắm vứng lý thuyết. Khi nắm vững lý thuyết, ghi nhớ công thức thì bạn sẽ dễ dàng giải được các dạng bài tập một cách dễ dàng.
Luôn đặt câu hỏi “Tại sao?” trước mọi vấn đề, những tình huống thuộc môn vật lý và tìm cách lý giải. Như vậy dần dần bạn sẽ tìm thấy được những cái hay, cái thú vị của bộ môn này.
Luyện làm bài tập thật nhiều để làm quen với nhiều dạng bài tập. Các môn tự nhiên là vậy, học phải đi đôi với thực hành làm bài tập. Vật lý có nhiều dạng bài tập khác nhau mà nếu bạn làm bài tập thật nhiều mới diện diện được chúng dễ dàng và tìm được cách giải nhanh chóng. Nên bắt đầu từ những bài đơn giản rồi đến những bài tập phức tạp để thử thách bản thân…Việc làm bài tập nhiều sẽ giúp bạn rèn luyện tư duy nhanh, tích luỹ nhiều kiến thức cần thiết cùng với lý thuyết.
3. Kinh nghiệm học môn Hóa học
Môn hóa học ở chương trình trường phổ thông có hai phần chính: hóa vô cơ và hóa hữu cơ. Bạn muốn học tốt môn hóa thì cần nắm chắc các định nghĩa, khái niệm, và hiểu được bản chất của vấn đề. Qua đó, bạn mới biết cách vận dụng được các khái niệm – định luật trên để nhận diện bài tập. Cần nắm chắc các tính chất: Hóa học là môn học của những hợp chất. Bạn cần nắm được tên gọi, lý tính, cấu tạo, hóa tính của các chất, đồng thời hiểu được các phương pháp điều chế và ứng dụng của các chất.
Các bài tập áp dụng: Để làm được các bài tập ứng dụng, bạn cần nắm chắc lý thuyết, các tính chất và nắm vững hóa tính, điều chế, kết hợp với cấu tạo, lí tính, chú ý các hiện tượng hóa học xảy ra. Bạn cũng cần nắm vững phần hóa tính các chất, tư duy xem loại hợp chất đó có thể tác dụng được với những tác chất nào để viết phương trình phản ứng.
Nắm vững cả hóa tính và điều chế, mối quan hệ giữa các chất, sự thay đổi mạch cacbon,… cùng với kết hợp những điều kiện phản ứng để suy luận tìm công thức các chất (đối với dạng khó), đây là cách để tìm chuỗi phản ứng nhưng đừng quên cân bằng và ghi rõ điều kiện nếu có.
Các bài tập nhận diện hóa chất bạn cần nắm được thuốc thử cần dùng, biết được dấu hiệu, và phương trình phản ứng kèm dấu hiệu. Với bài tập giải thích hiện tượng, chứng minh: điều cần thiết là phải viết được phản ứng xảy ra ở từng giai đoạn phản ứng, chú ý sự tạo kết tủa – bay hơi hay sự thay đổi màu sắc, mùi của chất sau khi phản ứng.
Mỗi người có một cách học, phương pháp học khác nhau. Mỗi cách phù hợp với từng học sinh. Nhưng quan trọng nhất vẫn là những cách nắm kiến thức cơ bản trên đây. Vậy nên, bạn hãy nhớ nằm lòng những kinh nghiệm này để áp dụng cho chính mình sao cho thật hiệu quả nhé.