9 cạm bẫy tân Sinh viên cần phòng tránh khi lên đại học
Những cạm bẫy mà tân Sinh viên hay mắc phải như: Kinh doanh Đa cấp, việc làm thêm nhẹ nhàng lương cao, lừa đảo tiền nhà trọ, ham chơi lười học, lô đề cờ bạc… Vậy làm sao để tránh khỏi các rủi ro, cám dỗ và thói hư tật xấu đó? Bài viết này sẽ chỉ ra cho các bạn những lưu ý và cách phòng tránh những rủi ro khi mới bước chân lên Thành phố học đại học.
1. Buông thả bản thân, đua đòi.
Không còn bố mẹ giám sát việc sinh hoạt và học hành. Bạn phải có bản lĩnh để tránh rơi vào tình trạng nghiện game, nhậu nhẹt bê tha, chơi bời lô đề, cá độ bóng đá… Điều này rất nghiêm trọng, nhiều bạn mất cả tương lai chỉ vì những cám dỗ đó nên mình nhắc đến đầu tiên. Bạn hãy sống lành mạnh, chăm chỉ học hành, siêng thể dục thể thao để có sức khoẻ và tinh thần tốt nhé.
2. Xả hơi quá đà.
Các bạn đều miệt mài đèn sách trong suốt năm học lớp 12 để có thể thi đỗ đại học. Tất nhiên bạn có quyền thư giãn đầu óc, tự hào về bản thân về thành tích nói trên. Tuy nhiên, bắt đầu vào đại học là chặng đường mới, mọi vinh quang ở quá khứ là con số 0. Bạn phải bắt nhịp và làm quen khẩn trương với giảng đường và những cuốn sách dày cộp để tránh bị trượt cũng như phấn đấu điểm cao thi hết môn.
3. Kinh doanh đa cấp.
Nếu thấy ai mời bạn thực hiện một dự án khởi nghiệp kiểu như: “Mình đang tìm đối tác cùng làm, bạn cũng đang tìm kiếm cơ hội để hướng đến sự tự do tài chính, thời gian cùng giá trị giúp đỡ người khác thì mình có thể cùng trao đổi về ý tưởng này nhé”… Đây 99,9% là đa cấp rồi… hoặc có người giới thiệu bạn đến nghe dự hội thảo của những doanh nhân thành đạt bên công ty họ thì cũng thuộc đa cấp đấy. Tốt nhất là thấy mấy tin như vậy thì nên từ chối gấp, không bị họ moi tiền thì khổ.
4. Việc nhẹ lương cao.
Những công việc nhẹ lương cao dán ở cột điện hoặc được đăng tin rác trên Facebook chứ không phải Fanpage chính thức của đơn vị tuyển dụng như bán mỹ phẩm cao cấp, bán quần áo, hàng hoá online không cần vốn, làm tại CGV hay đi làm gia sư… thì 99% lừa đảo nhé. Các bạn nên tham gia những group của trường, blog sinh viên của những anh chị khoá trước xem nơi đó có phải lừa đảo không rồi hẳn đăng kí. Thường thì những công ty lớn họ tuyển nhân viên hay trung tâm gia sư sẽ đăng trên trang web luôn chứ không dán cột điện hoặc đăng tin rác trên mạng với mức lương cao vậy đâu. Nên nhớ, không có cái gì là việc nhẹ lương cao cả, muốn biết bạn có thể xin ứng tuyển ở Văn Miếu: Sáng bê Rùa Đá ra phơi rồi chiều bê vào. ))
5. Lừa đảo tiền nhà trọ.
Đừng vội tin mấy cái tin đăng có nhà trọ giá rẻ cho thuê ở những cột điện, bờ tường bởi bọn lừa đảo hay sử dụng cách làm này. Đóng cọc tiện nhà xong rồi cũng khó chỗ mà ở đâu nhé. Phải trao đổi trực tiếp được với chủ nhà trọ, hỏi rõ những phí cơ bản còn có bất kỳ khoản phí nào khác nữa hay không? Đồng hồ điện, nước, internet dùng chung hay riêng, phí bao nhiêu một số điện, số nước? Thông tin trong giấy đặt cọc phòng phải rõ ràng các thông tin mức phí, giá cả… Chỉ đặt cọc 50% giá bên nhà trọ đưa ra, đọc kĩ các điều khoản trong hợp đồng thuê trọ để khỏi mất tiền oan nhé!
6. Tìm lớp học Tiếng Anh.
Chuyện các bạn cần nâng cao trình độ Tiếng Anh tất nhiên là rất tốt. Nhưng hãy tìm hiểu kĩ để sàng lọc những trung tâm uy tín mà học chứ đừng tin mấy chỗ chèo kéo phát tờ rơi trước cổng trường hay những nơi quảng cáo giá rẻ chỉ lấy tiền tài liệu, chia sẻ kiến thức miễn phí… Phần lớn là khi bạn vào đó đóng tiền xong chả học được gì đâu, vài buổi rồi chán tự bỏ hoặc lớp tự tan đó nhé.
7. Bẫy mua Tăm tình thương.
Bạn đừng có nhẹ dạ cả tin, thấy người ta trông khổ khổ đều sẵn lòng giúp hết. Biết được tâm lí đó nên bọn lừa đảo nghĩ ra cách bán Tăm từ thiện đó. Chẳng may bắt gặp thì từ chối thì hơi khó, bỏ tiền là mất oan nên tốt nhất nếu thấy thì bạn cứ lướt qua không cảm xúc thôi. Nếu căng quá bị tóm lại bắt mua thì giới thiệu bán cho bác công an là họ tự động né bạn ngay thôi. Bạn muốn làm thiện thì không thiếu cách nhé, có thể quyên góp, ủng hộ tiền thông qua tổ chức Đoàn thanh niên trường, tham gia sinh viên tình nguyện, đi hiến máu cứu người…
8. Di chuyển bằng xe Bus.
Đa phần các bạn mới lên đại học sẽ chọn phương tiện đi lại bằng xe bus. Rõ ràng chi phí rất phù hợp cho sinh viên nếu bạn mua vé tháng liên tuyến. Tuy nhiên, khi lên xe buýt bạn luôn nhớ phải đeo balo đằng trước, tiền, điện thoại nên cất ở ngăn khó mở nhất vì nhiều người đã bị móc túi trên xe bus rồi nhé.
9. Nhờ mở giùm điện thoại.
Nếu ai nhờ mở hay sửa điện thoại thì kêu “Ghé vào tiệm điện thoại nhá, em không biết dùng”. Thực chất là chúng tìm cách tiếp cận rồi chèo kéo bán rẻ cho bạn. Ở đây toàn mác điện thoại đời cao của các hãng nổi tiếng nhưng đều là hàng lởm đó nhé. Đừng có nghĩ là mình khôn mà mua được điện thoại xịn giá rẻ bạn nhé.
Lời kết: Trên đây là 9 cạm bẫy mà tân Sinh viên cần phòng tránh khi lên đại học. Khi sống xa người thân, bố mẹ cũng là lúc các bạn phải trưởng thành và hoàn thiện các kĩ năng nhằm thích nghi môi trường sống phức tạp bên ngoài xã hội. Hay nhớ rằng, bạn phải cảnh giác và có kiến thức thì mới biết cách phòng tránh hiệu quả. Hi vọng bài viết sẽ giúp ích cho tân Sinh viên, các bạn muốn bổ sung thêm điều gì vui lòng commnet thêm giúp mình nhé!