Cấu Trúc Ngữ Pháp Và Cách Sử Dụng Câu Mệnh Lệnh Tiếng Anh
Câu mệnh lệnh được xem như là mẫu câu đơn giản nhất trong tiếng Anh giao tiếp cũng như tiếng Anh học thuật. Trong chương trình tiếng Anh mới hiện nay, hầu như từ những lớp rất sơ đẳng, lớp vỡ lòng, học viên đã được hướng dẫn về cấu trúc và cách sử dụng mẫu câu này. Vậy tại sao loại câu mệnh lệnh lại được sử dụng phổ biến như thế? Cấu trúc ngữ pháp và cách dùng cụ thể ra sao? Hãy cùng chúng tôi tìm câu giải đáp trong bài viết này nhé.
Câu mệnh lệnh là gì ?
Câu mệnh lệnh (hay còn được biết đến với cái tên câu cầu khiến) là câu có tính chất sai khiến, ra lệnh đối với người nghe. Chính bởi ý nghĩa và ngữ cảnh sử dụng nhất định mà loại câu này có thể dùng với cả hình thức trang trọng và không trang trọng. Thông thường, đối với trường hợp giao tiếp trang trọng, lịch thiệp, người ta sẽ thêm một vài từ ngữ chuyên dùng nhất định để tạo sắc thái nghĩa phù hợp hơn
Với đặc điểm ngắn gọn, đầy đủ ngữ nghĩa, câu mệnh lệnh tạo sự thoải mái và tiện lợi hơn cho người nói và người nghe trong việc giao tiếp.
Cấu trúc ngữ pháp câu mệnh lệnh
Có ba loại câu mệnh lệnh, đó là câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ hai, câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ nhất và câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ ba
Câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ hai :
Hình thức câu mệnh lệnh này khá đơn giản, bởi vì người dùng chỉ cần áp dụng cấu trúc Bare Infinitive đối với dạng khẳng định và thêm Do not vào trước động từ đối với dạng phủ định. Cụ thể :
Dạng khẳng định : Bare infinitive !
Ví dụ : Hurry up ! : Nhanh lên !
Stop smoking ! : Hãy ngưng hút thuốc đi !
Ngoài ra, bạn cũng có thể thêm Do phía trước động từ chính để tăng mức độ nhấn mạnh hành động của câu cầu khiến.
Dạng phủ định: Do not + Bare infinitive !
Ví dụ: Do not touch !: Đừng có đụng vào !
Do not play with fire ! : Đừng có đùa với lửa !
Câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ nhất:
Tương tự như cấu trúc của câu mệnh lệnh sử dụng ngôi thứ hai, chúng ta chỉ sử dụng động từ đối với câu khẳng định và thêm not vào trước động từ đối với câu phủ định. Cụ thể:
Dạng khẳng định: Let us + bare infinitive
Ví dụ: Let us go ! : Hãy đi nào !
Dạng phủ định: Let us not + bare infinitive
Ví dụ: Let us not fall in love !: Chúng ta đừng yêu nhau nhé !
Câu mệnh lệnh đối với ngôi thứ ba:
Dạng khẳng định: Let + him/her/it/them + Bare infinitive
Ví dụ: Let her go !: Để cô ấy đi đi!
Dạng phủ định: Let + him/her/it/them + Not + Bare infinitive hoặc Do not let + him/her/it/them + Bare infinitive
Ví dụ: Let it not fall down !: Đừng để nó rơi xuống !
Do not let me get angry !: Đừng để tôi nổi nóng đấy !
Những điều cần lưu ý khi sử dụng câu mệnh lệnh trong tiếng Anh
Trong quá trình sử dụng câu mệnh lệnh, học viên cần lưu ý rằng câu mệnh lệnh không bao giờ có chủ ngữ. Nhiều bạn vẫn thường có thói quen thêm các ngôi xưng như You vào câu để yêu cầu ai thực hiện một hành động nào đó, nhưng đây là một lỗi sai cơ bản mà bạn cần tránh.
Tuy câu mệnh lệnh không sử dụng chủ ngữ, nhưng bạn có thể đặt danh từ chỉ người hoặc nhân xưng phía cuối câu để làm rõ đối tượng được yêu cầu. Chẳng hạn như :
Be quiet, Katy !: Hãy yên lặng đi, Katy !
Don’t be naughty, kid !: Đừng có nghịch ngợm, nhóc !
Ngoài ra, để tạo sắc thái nghĩa trang trọng, người dùng còn có thể thêm từ Please vào cuối hoặc đầu câu. Please có nghĩa là làm ơn, thường được sử dụng khi đưa ra một đề nghị cho người lớn tuổi hơn, hoặc muốn thể hiện sự lễ phép, kính trọng hơn từ phía người nói đối với người nghe.
Ví dụ: Please take care of my cat ! : Làm ơn hãy chăm sóc con mèo hộ tôi nhé !
Give me your ticket, please !: Làm ơn đưa cho tôi chiếc vé của bạn nhé !
Bên cạnh kiến thức về câu mệnh lệnh, chúng tôi còn bổ sung nhiều kiến thức ngữ pháp và từ vựng khác nhau, chuyên sâu và có mức độ nâng cao hơn nữa. Nếu như bạn muốn học tiếng Anh chất lượng, hiệu quả, hãy liên hệ ngay với cơ sở cung cấp dịch vụ gia sư tại Hà Nội thông qua website trung tâm nhé.