Kinh nghiệm ôn thi tốt nghiệp môn Ngữ văn lớp 12
Ngữ văn là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Văn không đơn giản là môn học thuộc mà còn đòi hỏi học sinh khả năng cảm thụ văn học, phân tích vấn đề và nghị luận xã hội. Vì vậy, để có thể ôn thi hiệu quả môn Ngữ văn, học sinh lớp 12 cần nằm lòng những phương pháp học tập phù hợp với môn học. Việc ôn thi cùng một lúc nhiều môn đòi hỏi học sinh cần có phương pháp ôn thi hợp lý, khoa học. Với riêng môn Ngữ văn, để ôn thi hiệu quả và chắc chắn tự tin trước khi bước vào phòng thi thì các bạn lớp 12 cần nắm được những kỹ năng sau:
Hệ thống hóa kiến thức
Đề thi tốt nghiệp THPT chủ yếu vẫn xoay quanh kiến thức lớp 12 nhưng không tránh khỏi việc mở rộng phạm vi kiến thức cả cấp học. Vì vậy, học sinh cần phải có sự hệ thống hóa kiến thức một cách đầy đủ, từ khái quát đến chi tiết để dễ dàng ôn thi. Hệ thống bao quát là toàn bộ giới hạn nội dung ôn thi, chủ yếu ở hai giai đoạn: Khái quát văn học VN từ CMT8 năm 1945 đến hết TK XX (lớp 12). Với cách này, các bạn sẽ hệ thống toàn bộ kiến thức có trong nội dung ôn thi, dễ dàng nắm được các đặc điểm cơ bản của từng giai đoạn văn học… Từ đó tạo cơ sở để nắm chắc nội dung tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ, nghệ thuật… của từng tác phẩm và chùm tác phẩm.
Phân chia theo nhóm thể loại tác phẩm
Nội dung ôn thi của môn Ngữ văn lớp 12 quy về các thể loại sau: Văn chính luận / nghị luận, thơ, truyện ngắn, tùy bút, bút ký; văn bản kịch. Từ đó, bạn nên hệ thống các tác phẩm theo thể loại để ôn tập đúng hướng nội dung từng thể loại, từng tác phẩm và lượng trước dạng đề bài mà đề thi sẽ cho. Đơn giản là thường mỗi thể loại, mỗi tác phẩm có đặc trưng riêng, có cách yêu cầu đề riêng.
Ôn tập theo nhóm chủ điểm
Đây cũng là cách là các giáo viên ôn thi khuyến khích nhưng chính bạn phải tự mình áp dụng thì mới đem lại hiệu quả. Các chủ điểm có thể là về đề tài, chủ đề, hình tượng nhân vật, cảm hứng tư tưởng, bút pháp nghệ thuật, phong cách tác giả… Văn học từng giai đoạn sẽ có những chủ điểm khác nhau nhưng đều xoay quanh những chủ để như: đề tài đất nước, hình tượng người phụ nữ; vẻ đẹp của các con sông; cảm hứng lãng mạn; khuynh hướng sử thi, chủ nghĩa anh hùng cách mạng; giá trị hiện thực, nhân đạo; phong cách nghệ thuật, bút pháp sáng tác… Các chủ điểm văn học thường nằm ở một số chùm tác phẩm trong chương trình lớp 12.
Lập sơ đồ tư duy
Sơ đồ tư duy chính là cách hệ thống kiến thức bài học ngắn gọn theo một bộ khung dàn ý nhất định. Qua đó người học có cơ sở để dễ dàng nhớ toàn bộ tác phẩm. Đây là cách ôn thi nước rút hiệu quả mà nhiều người khuyên dùng trong thời gian gần đây vì ngắn gọn, cô đọng, dễ nhớ…, Tùy theo đặc trưng của từng tác phẩm mà có thể có nhiều cách lập sơ đồ tư duy. Có thể là theo các chủ điểm như: nhan đề tác phẩm, tác giả, nhân vật, hoặc một chi tiết ý nghĩa nhất của tác phẩm… Một sơ đồ tư duy có thể giúp người ôn tập hệ thống được ý nghĩa của nhiều tác phẩm cùng một lúc.
Rèn luyện khả năng ôn thi nước rút
Ôn thi cùng một lúc nhiều môn bạn sẽ không thể dành nhiều thời gian hơn cho môn nào mà chỉ có thể hệ thống kiến thức ở tất cả các môn và lên lịch để ôn thi, nắm được những kiến thức cơ bản nhất có thể. Môn Ngữ văn cũng vậy. Nhiều học sinh đánh giá đây là môn nhiều chữ và làm bài thi mất nhiều thời gian nhất khi bước vào phòng thi. Quả đúng như vậy, với hệ thống kiến thức cả chương trình và lớp 12 là khá đồ sộ, đòi hỏi ở các bạn sự tư duy và khả năng nắm bắt, ghi nhớ vấn đề một cách tốt nhất.
Trước khi bắt đầu bước vào ôn thi hãy dành một chút thời gian để hệ thống lại toàn bộ kiến thức. Giống như việc lập dàn ý cho một bài văn nghị luận sau đó mới bắt đầu với những chi tiết nhỏ. Rèn cho mình những kỹ năng với từng yêu cầu của môn học:
– Phần Đọc hiểu: Nhanh chóng đọc nhận diện, suy nghĩ, kết nối người đọc với tác giả.
– Câu nghị luận xã hội: Sử dụng các thao tác lập luận như: phân tích, giải thích, bình luận. Sử dụng cách thức đặt câu hỏi 5W-1H (Cái gì? Tại sao? Ai? Làm như thế nào?) để lập ý và tìm dẫn chứng. Đoạn văn cần phải diễn đạt ngắn gọn, súc tích, tránh cách dẫn dắt dài dòng, những câu văn vô nghĩa.
– Phần nghị luận văn học: Với phần này, các bạn phải nắm vững kiến thức về văn học sử (phong cách sáng tác, quan điểm nghệ thuật của tác giả); kiến thức lí luận văn học (không gian, thời gian nghệ thuật; quan điểm về con người; hình thức kết cấu, chi tiết nghệ thuật, giọng điệu…) trong đó chú ý sự khác biệt về các khuynh hướng các giai đoạn văn học.
Cách tốt nhất là nên ôn thi theo chuyên đề như: Văn học hiện thực; văn học lãng mạn; Văn học cách mạng; Văn học sau 1975 hay các thể loại như kí, kịch, thơ, truyện ngắn… Khi bạn có kiến thức nền tảng thì việc làm bài văn nghị luận liên hệ mới thuyết phục người chấm.
Nói tóm lại, để ôn thi tốt và đạt điểm cao môn văn thì đòi hỏi người học cần có giải pháp khoa học, đặc biệt là việc hệ thống kiến thức chung để có căn bản ôn thi. Có thể không phải ai cũng viết văn nghị luận hay và xuất sắc nhưng nếu bạn biết tư duy, đánh giá, nhìn nhận vấn đề thì chắc chắn vài văn của bạn dù câu từ chưa được trau chuốt, lời lẽ chưa được bóng bẩy nhưng bài văn thể hiện rõ nghĩa, đúng ý hoặc thể hiện được cái tôi cá nhân, chắc chắn vẫn thuyết phục người chấm điểm.