Mẹo giảng dạy môn Lịch sử THPT giúp học sinh hiểu kỹ, nhớ lâu
Lịch sử vẫn luôn là môn học ác mộng đối với đa số học sinh THPT. Vì vậy, rất hiếm khi có học sinh chọn bộ môn này là môn thi tốt nghiệp. Nhưng đây là môn học mang ý nghĩa về truyền thống dân tộc cần được học sinh – thế hệ tương lai của đất nước tiếp thu và hiểu về Lịch sử dân tộc. Muốn để học sinh yêu thích môn học này, điều quan trọng là giáo viên cần phải đổi mới phương pháp và tư duy giảng dạy để tạo được hứng thú học của học sinh.
Nhưng không phải tất cả học sinh đều quay lưng với môn học nhiều chữ và lắm mốc thời gian khó nhớ này. Đã có những công trình nghiên cứu hay các phần mềm công nghệ học Lịch sử do chính các em học sinh sáng tạo nên. Điều đó cho thấy, vẫn có những học sinh yêu thích môn Lịch sử. Bởi Lịch sử chính là cội nguồn của dân tộc, học Lịch sử là để hiểu về đất nước, con người Việt Nam qua các thời kỳ. Gợi được sự yêu thích môn Lịch sử của học sinh chính là xây dựng ở các em có một tâm hồn đẹp, biết yêu quê hương, đất nước, biết ghi nhớ công ơn của các thế hệ đi trước đã hy sinh xương máu vì hòa bình hôm nay và từ đó thôi thúc các em biết phấn đấu vươn lên để trở thành người có ích, sống xứng đáng với truyền thống vẻ vang của dân tộc.
Vậy, làm sao để khơi gợi hứng thú cho học sinh học môn Lịch sử? Để làm được điều đó, nhất thiết phải giải quyết vấn đề từ chính người truyền thụ kiến thức. Qua rồi cái thời cô đọc, trò ghi và học thuộc như kiểu học vẹt, giáo viên Lịch sử cần đổi mới tư duy và phương pháp dạy môn học khó nhằn này qua một số gọi ý dưới đây
Giáo viên cần chuẩn bị chu đáo trước khi lên lớp
Muốn học sinh yêu thích bộ môn Lịch sử và học tập một cách tích cực thì người thầy phải, có sự đầu tư thích đáng cho từng tiết dạy. Trong soạn giáo án, giáo viên phải giữ được tính Đảng khi nhìn nhận, đánh giá các vấn đề Lịch sử cho phù hợp vì nội dung Lịch sử có khi là vấn đề nhạy cảm, tồn tại nhiều quan điểm nhìn nhận khác nhau, thậm chí trái ngược nhau. Dạy học được đánh giá là công việc vừa là khoa học vừa là nghệ thuật vì vậy, giáo viên phải xác định rõ đâu là chuẩn kỹ năng, kiến thức cơ bản rồi áp dụng phương pháp dạy học phù hợp theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất người học.
Lựa chọn nhiều phương pháp thích hợp với bài giảng. Tìm cách dẫn dắt cụ thể và hợp lý để đưa học sinh đến những vấn đề cần nhận thức của bài học, đồng thời kích thích tính tò mò tìm hiểu của các em. Người thầy phải giữ được phong thái gần gũi, nhiệt tình để giúp các em đến với tri thức Lịch sử một cách nhẹ nhàng, tự nhiên. Đưa những kiến thức mới mẻ, hấp dẫn để kích thích sự ngạc nhiên của học sinh từ dó hấp dẫn các em với môn học. Giáo viên cần thường xuyên tự cập nhật những thông tin, số liệu, sự kiện Lịch sử từ các nguồn thông tin chính thống để làm phong phú kho kiến thức phục vụ giảng dạy bộ môn.
Tăng cường các buổi ngoại khóa về Lịch sử
Những buổi ngoại khóa tìm hiểu về Lịch sử bằng nhiều hình thức, nhất là hình thức sân khấu hóa sẽ có tác dụng rất lớn đến hiệu quả của môn học này. Những hoạt động cụ thể như: hát “sử ca”, đố Lịch sử, kể chuyện hay hóa trang thành các nhân vật Lịch sử,.. là những cách thức giúp người học nhớ kỹ, nhớ lâu kiến thức Lịch sử dân tộc. Cho học sinh tổ chức các buổi biểu diễn hóa trang thành các nhân vật Lịch sử, hoạt cảnh… để các em tự hóa thân vào hình tượng nhân vật Lịch sử một cách say sưa, làm cho môn học Lịch sử không còn khô khan mà sống động với các em.
Chú trọng đến việc khuyến khích học sinh tìm hiểu về Lịch sử địa phương. Lịch sử địa phương giúp học sinh hiểu và tự hào về mảnh đất và con người nơi mình sinh ra và lớn lên; nhận thức sâu sắc thêm Lịch sử dân tộc. Ngoại khóa nên có những nhân chứng Lịch sử (các cựu chiến binh) đến giao lưu nói chuyện vào các dịp lễ lớn như: Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12, ngày giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước 30/4…
Nhà trường nên tạo điều kiện tổ chức cho học đến tham quan các di tích Lịch sử tiêu biểu của địa phương giúp học sinh hiểu rõ hơn về Lịch sử địa phương. Qua đó, các em sẽ ý thức được vai trò con người trong mối quan hệ với môi trường xung quanh; ý thức bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá Lịch sử, và môi trường sống của quê hương đất nước.
Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy
Thực tế đã chứng minh, giáo án điện tử mang lại hiệu quả truyền thụ kiến thức rất cao. Khi kiến thức Lịch sử được minh họa bằng những tranh ảnh, những đoạn phim tư liệu về những sự kiện, nhận vật Lịch sử cụ thể sẽ có tác dụng lưu lại trong trí nhớ các em nhiều hơn và tạo sự hứng thú trong học tập của học sinh.
Người thầy cần tìm hiểu để biết rồi làm người dẫn đường hướng dẫn học sinh sử dụng Internet với những địa chỉ tin cậy, diễn đàn học tập để các em tăng cường tìm hiểu kiến thức môn Lịch sử. Ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy luôn đạt hiệu quả cao bởi tính trực quan sinh động của phương pháp này mang lại. Bằng cách này, quá khứ Lịch sử được tái hiện một cách chân thực, sống động bằng hình ảnh trong đời sống hiện tại, giúp học sinh học tập một cách tích cực, chủ động, sáng tạo.
Khuyến khích học sinh làm việc tập thể
Hoạt động nhóm khi các em cùng tìm hiểu chủ đề Lịch sử, những vấn đề, khía cạnh, đưa ra nhận xét, đánh giá và tranh luận sẽ giúp môn học trở nên hấp dẫn hơn, kiến thức được khắc sâu trong trí nhớ. Câu hỏi hoạt động nhóm nên là câu hỏi có tính chất khái quát, tổng hợp đòi hỏi học sinh cần huy động trí tuệ của tập thể để cùng tham gia góp ý kiến. Hoạt động nhóm giúp học sinh mở rộng kiến thức, đào sâu vấn đề cụ thể giúp phát triển được tư duy khoa học. Ngoài ra, phương pháp này còn giúp cho học sinh phát triển kỹ năng nói, giao tiếp tranh luận….
Quá trình thảo luận nhóm cần được giáo viên hướng dẫn và tạo ra mối quan hệ hai chiều giữa giáo viên và học sinh. Hoạt động nhóm để đạt hiệu quả cao, giáo viên cần chọn lọc và đưa ra vấn đề để học sinh thảo luận đồng thời tạo điều kiện hoặc giúp đỡ các em trong quá trình học tập. Có thể cho các em tìm hiểu câu hỏi từ trước, hôm sau đến lớp nhóm mới tổng hợp lại để thảo luận chung. Giáo viên phải là người dẫn dắt, phân tích thêm để các em nắm được kiến thức trọng tâm.
Lời kết: Để môn Lịch sử không còn khô khan với học sinh, khiến học sinh có hứng thú với môn học thì vai trò của người thầy vô cùng quan trọng. Cách giảng bài, phương pháp dạy, hình thức dạy học, cách dẫn dắt học sinh tiếp cận môn học… tất cả đều phải nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ khâu soạn giáo án. Và quan trọng là người thầy phải có tâm huyết, lòng yêu nghề, yêu bộ môn của mình thì mới có thể truyền lửa đến học sinh.