Trẻ tiểu học cần chú ý gì để phòng tránh cận thị?
Theo số liệu thống kê gần đây, tỷ lệ trẻ em ở độ tuổi tiểu học bị cận thị ngày càng gia tăng. Cận thị là một trong những tật khúc xạ ở mắt gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cũng như kết quả học tập của trẻ. Chính bởi vậy cha mẹ cần trang bị con một số kĩ năng cơ bản để có thể phòng tránh cận thị, giúp các em có đôi mắt sáng, quá trình học tập diễn ra thuận lợi nhất.
1. Trẻ cần học trong môi trường đủ ánh sáng
Một trong những nguyên nhân lớn dẫn đến bệnh cận thị ở trẻ đó chính là môi trường học tập thiếu ánh sáng. Nếu học trong môi trường thiếu ánh sáng trong khoảng thời gian dài, mắt trẻ sẽ khó có thể nhìn rõ được sự vật, chữ viết trong trang sách. Tình trạng này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến thị lực của trẻ. Trong trường hợp ánh sáng với cường độ quá mạnh cũng không tốt, khiến đôi mắt của trẻ bị kích ứng và cảm thấy nặng nề, mệt mỏi, lóa mắt. Chính bởi vậy cha mẹ cần thường xuyên quan sát góc học tập của trẻ, chú ý đặc biệt đến vấn đề ánh sáng, đèn bàn học tập cho con. Dạy con phải biết báo cho cha mẹ biết khi cảm thấy ánh sáng không đủ phục vụ trong quá tình học tập. Ngoài ra, nếu con học vào ban ngày thì cha mẹ nên tận dụng ánh sáng tự nhiên chứ không nên qúa lạm dụng ánh sáng từ bóng đèn, có như vậy đôi mắt của con mới được điều hòa và phát triển một cách khỏe mạnh nhất.
2. Trẻ cần biết khoảng cách từ mắt đến trang sách sao cho phù hợp
Nhiều trẻ có thói quen rất xấu đó chính là cắm mặt vào trang sách để đọc. Việc này ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị lực của trẻ, mắt trẻ sẽ cảm thấy mỏi và lâu dần dẫn đến bệnh cận thị. Để phòng tránh cho con khỏi tật cận thị, cha mẹ cần dạy con tư thế ngồi học sao cho đúng, đó là phải ngay ngắn, không được nằm ra bàn. Không nên nằm trên giường rồi cầm quyển sách, truyện lên đọc. Khoảng cách từ mắt đến trang sách, vở viết phải từ 30 – 50 cm mới đảm bảo yêu cầu chuẩn để giúp thị lực khỏe mạnh.
3. Trẻ cần hạn chế thời gian xem tivi, chơi game
Chơi game, xem tivi quá nhiều cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến bệnh cận thị ở trẻ tiểu học hiện nay. Việc cha mẹ không kiểm soát thời gian của con cho các hoạt động trong ngày dẫn đến tình trạng cận thị của trẻ ngày càng nặng. Để giúp trẻ có thể phòng tránh bệnh này thì điều quan trọng nhất là cha mẹ cần hướng dẫn và đề ra cho trẻ một thời gian biểu hợp lí về các hoạt động trong ngày. Theo đó, cha mẹ đưa ra khoảng thời gian trẻ có thể xem tivi và chơi game mỗi ngày, đó là khoảng 60-80 phút. Trong trường hợp con cố tình xem nhiều hơn mức thời gian quy định thì sẽ có những hình phạt nghiêm khắc. Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý đến việc đặt tivi cách ghế sofa hoặc chỗ trẻ ngồi xem khoảng 3m để đảm bảo mắt trẻ được bảo vệ khỏi bức xạ từ màn hình ti vi. Trong trường hợp trẻ dùng máy tính thì yêu cầu trẻ ngồi cách màn hình máy tính khoảng 50cm.
4. Trẻ nên tham gia hoạt động ngoại khóa
Ngoài thời gian học tập trên lớp hay thời gian làm bài tập về nhà, cha mẹ cũng nên tạo điều kiện cho trẻ tham gia các hoạt động ngoại khóa. Một số hoạt động như chơi thể thao, tham gia câu lạc bộ múa hát. Tham gia những hoạt động này không chỉ giúp trẻ có thể nâng cao kĩ năng mềm, tự tin, có nhiều bạn bè mà còn giúp trẻ bớt thời gian vào những thói quen không tốt như như chơi điện tử hay xem phim quá nhiều, gây ảnh hưởng đến thị lực.
5. Để mắt nghỉ ngơi hợp lý
Việc học trong một thời gian dài khiến mắt trẻ mệt mỏi, nếu không để mắt được nghỉ ngơi sẽ khiến mắt bị “quá tải” và trở nên mệt mỏi. Cha mẹ nên dạy trẻ cứ khoảng 20 phút học tập thì nên nhìn ra xa, tốt nhất nhìn ở những khoảng xanh có cây cối, hoa cỏ hoặc nhắm mắt trong khoảng 15 – 30 giây để mắt được thư giãn. Trẻ cũng nên chớp mắt vài lần bởi việc này sẽ giúp lớp nước mắt trải đều lên bề mặt mắt, khiến cho mắt trẻ trở nên dịu mát và thoải mái hơn.
6. Trẻ nên ăn những thực phẩm có lợi cho mắt
Để giúp phòng tránh bệnh cận thị, trẻ tiểu học cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày. Những thực phẩm lành mạnh, giàu dinh dưỡng sẽ giúp trẻ có đôi mắt sáng, khỏe mạnh, phục vụ cho việc học tập và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày một cách hiệu quả. Những thực phẩm mà trẻ nên ăn là thực phẩm chứa nhiều vitamin A, vitamin B1, B2, photpho, selen… Các thức phẩm chứa kẽm như cá, trứng, gan, sò cũng rất tốt cho thị lực của trẻ
7. Trẻ cần kiểm tra thị lực định kỳ
Một trong những điều quan trọng mà bố mẹ cần nhớ đó chính là định kì 6 tháng một lần cần cho con đến các bệnh viện chuyên khoa về mắt để được khám thị lực. Việc khám mang rất nhiều lợi ích, trong trường hợp trẻ đang có những dấu hiệu bắt đầu của bệnh cận thị thì bác sĩ sẽ có những liệu pháp điều trị kịp thời bằng thuốc uống để phòng tránh bệnh. Tuyệt đối không nên khi trẻ bị nặng mới đến viện khám bởi lúc này thì việc điều trị sẽ khó hơn rất nhiều, khả năng cải thiện bệnh cũng khó hơn.